Nguyên nhân gây khó nuốt

26/01/2025
|
0 lượt xem
Bệnh Đường Tiêu Hóa Các Bệnh Sức Khỏe Tiêu Hóa
Nguyên nhân gây khó nuốt

Khó nuốt là tình trạng thức ăn hoặc nước bị mắc kẹt ở cổ họng, khó xuống dạ dày. Quá trình này cần sự phối hợp giữa các cơ và dây thần kinh của miệng, cổ họng và thực quản. Các bộ phận này không phối hợp ăn ý khiến người bệnh nuốt khó khăn.

ThS.BS.CK1 Thái Ngọc Hân, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khó nuốt có thể do ho hoặc nghẹn khi cố nuốt thức ăn, ăn quá nhanh hoặc nhai không kỹ (không đáng lo ngại). Tình trạng này thường là hệ quả của các bệnh lý rối loạn hệ thần kinh và não bộ, rối loạn hệ thống cơ, tắc nghẽn cơ học tại vùng hầu họng và vùng thực quản. Các nguyên nhân bệnh lý này cần điều trị kịp thời.

Rối loạn hệ thần kinh và não bộ: Các bệnh lý ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh đều có thể gây ra khó nuốt như xơ cứng teo cơ một bên, khối u não lành hoặc ác tính, bại não, chứng sa sút trí tuệ, bệnh xơ cứng rải rác, Parkinson.

Rối loạn về cơ: Một số tình trạng rối loạn cơ có thể gây ra bệnh nuốt nghẹn như co thắt tâm vị, co thắt cơ nhẫn hầu, co thắt thực quản, chứng loạn dưỡng cơ, bệnh nhược cơ, viêm cơ, xơ cứng bì.

Bác sĩ Hân khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Hẹp, tắc nghẽn và các vấn đề về cấu trúc: Theo bác sĩ Hân, tình trạng tắc nghẽn ở cổ họng hay thực quản gây khó nuốt có thể do ung thư. Các khối u ở đầu và cổ cản trở ăn uống như ung thư thực quản - loại ung thư phổ biến nhất gây khó nuốt. Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, túi thừa thực quản, vòng thắt thực quản (hay vòng Schatzki), trào ngược dạ dày thực quản cũng ảnh hưởng cấu trúc thực quản, dẫn đến tình trạng này.

Khó nuốt có thể xảy ra do viêm họng liên cầu khuẩn (viêm amidan do vi khuẩn), sau phẫu thuật đầu và cổ. Các phương pháp điều trị khác như xạ trị phá hủy khối ung thư đầu cổ, làm tổn thương các mô liên quan đến hoạt động nuốt.

Bác sĩ Hân cho hay tùy vào nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ bệnh mà điều trị khác nhau. Phương pháp điều trị bao gồm nội khoa, nong thực quản, tiêm botulinum (botox) hay một số thủ thuật (như nong thực quản) nếu người bệnh bị co thắt thực quản, hẹp thực quản hay rối loạn nhu động. Nếu người bệnh bị ung thư thực quản, bác sĩ chỉ định cắt bỏ, hóa trị, xạ trị hay điều trị giảm nhẹ.

Khó nuốt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở người lớn. Bệnh không điều trị, không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, viêm phổi hít do thức ăn hoặc nước đi vào đường thở, thức ăn bị tắc nghẽn ở đường thở cần được cấp cứu để tránh nguy cơ tử vong.

Bác sĩ Hân khuyến nghị người bệnh cần đi khám khi nuốt nghẹn thường xuyên và tần suất tăng lên. Người bị nghẹn cổ kèm khó thở, yếu cơ đột ngột, không thể nuốt thức ăn... nên đi khám càng sớm càng tốt. Trường hợp nghi ngờ bệnh nhân tổn thương thực quản, bác sĩ chỉ định cho người bệnh làm một số xét nghiệm chẩn đoán như soi thực quản, chụp X-quang, chụp CT, MRI, nội soi phế quản.

Thảo Nhi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật