Nguyên nhân gây đau đầu thường gặp

03/03/2025
|
0 lượt xem
Các Bệnh Ngoại Thần Kinh Nội Thần Kinh Sức Khỏe
Nguyên nhân gây đau đầu thường gặp

ThS.BS Vũ Thị Hinh, khoa Thần kinh Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đau đầu rất thường gặp, đa phần lành tính nhưng có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Trường hợp đau đầu nguy hiểm khi nguyên nhân gây ra do tăng huyết áp, đột quỵ, dị dạng mạch máu não, viêm màng não... Dưới đây là một số yếu tố thường gặp làm tăng nguy cơ đau đầu.

Căng thẳng: Khi chịu áp lực do công việc, học tập hoặc các mối quan hệ xã hội, cơ thể phản ứng bằng cách tăng tiết hormone căng thẳng, làm co cứng các cơ vùng đầu và cổ. Tình trạng này khiến tuần hoàn máu lên não bị ảnh hưởng, dẫn đến đau đầu kéo dài. Căng thẳng tinh thần còn kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm thay đổi chức năng của các mạch máu não, gây ra những cơn đau đầu căng thẳng hoặc đau nửa đầu.

Rối loạn giấc ngủ: Thức khuya, ngủ không đủ giấc làm xáo trộn nhịp sinh học của cơ thể. Khi giấc ngủ bị gián đoạn hoặc thiếu hụt, hoạt động của hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng, khiến cơ thể mệt mỏi dẫn tới đau đầu. Ngủ không sâu giấc hoặc thay đổi giờ ngủ thất thường cũng có thể làm gia tăng tần suất cơn đau.

Thiếu nước: Nếu cơ thể thiếu nước, tuần hoàn máu lên não giảm, dẫn đến co mạch, kích thích các thụ thể đau gây đau đầu kéo dài. Người lạm dụng đồ uống chứa caffeine hoặc rượu bia dễ bị mất nước nghiêm trọng hơn, hay đau đầu.

Lạm dụng rượu bia, cà phê và các chất kích thích: Cồn trong rượu có tác động làm giãn mạch máu ban đầu nhưng sau đó lại khiến cơ thể mất nước và rối loạn cân bằng chất trung gian thần kinh, từ đó dẫn đến đau đầu. Tương tự, nicotine trong thuốc lá có thể gây co mạch máu, ảnh hưởng đến tuần hoàn não, thúc đẩy cơn đau tăng nặng. Lạm dụng các chất kích thích này không chỉ gây ra đau đầu tức thời mà còn có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe lâu dài.

Người bệnh điều trị đau đầu bằng hệ thống kích thích từ trường xuyên sọ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thường xuyên tiếp xúc với màn hình điện tử: Làm việc liên tục với máy tính, điện thoại mà không có thời gian nghỉ ngơi hợp lý khiến mắt phải điều tiết quá mức, dẫn đến nhức mỏi, căng thẳng cơ vùng mắt. Tình trạng này có thể gây đau đầu, nhất là ở vùng trán và thái dương. Các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị không được điều chỉnh đúng cách cũng có thể khiến mắt phải làm việc nhiều hơn, gia tăng nguy cơ đau mạn tính.

Bác sĩ Hinh khuyên người hay bị đau đầu nên thay đổi lối sống lành mạnh, ngủ 7-8 tiếng mỗi đêm, uống đủ nước, ăn uống khoa học, hạn chế sử dụng chất kích thích. Đảm bảo môi trường làm việc hợp lý, giảm thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử, kiểm tra thị lực định kỳ giúp tránh căng thẳng cho mắt. Tập thể dục thường xuyên, thư giãn bằng các phương pháp như thiền định, yoga cũng góp phần giảm căng thẳng, hạn chế đau đầu.

Nếu cơn đau đầu xuất hiện đột ngột với cường độ dữ dội, kéo dài không giảm khi dùng thuốc giảm đau thông thường hoặc kèm các triệu chứng như mờ mắt, chóng mặt, yếu liệt tay chân, rối loạn ý thức, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Việt An

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật