Mẹo ngủ ngon khi nhiễm trùng tiết niệu

23/01/2025
|
0 lượt xem
Bệnh Tiết Niệu Các Bệnh Sức Khỏe Tiết Niệu - Nam Học
Mẹo ngủ ngon khi nhiễm trùng tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và ảnh hưởng đến bàng quang hoặc thận. Các triệu chứng phổ biến là đi tiểu thường xuyên và đau ở bụng dưới.

Như nhiều tình trạng sức khỏe khác, người bệnh UTI dễ cảm nhận cơn đau rõ khi đi ngủ so với lúc hoạt động ban ngày. Nhu cầu đi tiểu thường xuyên hoặc cảm giác không thể làm rỗng hoàn toàn bàng quang có thể làm gián đoạn giấc ngủ, gây khó chịu hơn vào ban đêm. Các biện pháp khắc phục đơn giản tại nhà và phương pháp điều trị y tế có thể giúp người bệnh giảm đau.

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước hơn có thể giúp ngăn ngừa và giảm nhẹ nhiễm trùng đường tiết niệu theo nhiều cách. Nước làm loãng nước tiểu, từ đó giảm nồng độ vi khuẩn trong bàng quang. Cung cấp nước giúp mô bàng quang khỏe mạnh. Uống nước cũng hạn chế vi khuẩn bám dính vào các tế bào bàng quang, tạo điều kiện đào thải vi khuẩn gây nhiễm trùng qua nước tiểu. Uống ít nhất 1,5 lít chất lỏng mỗi ngày giúp phòng ngăn ngừa nhiễm trùng.

Uống nhiều nước làm loãng nước tiểu và đào thải vi khuẩn có hại. Ảnh: Ngọc Phạm

Chườm nóng

Miếng đệm sưởi nóng có thể giảm đau do nhiễm trùng đường tiết niệu nhờ thư giãn cơ, giảm căng và co thắt cơ. Nhiệt độ còn làm tăng lưu thông máu vùng chậu, loại bỏ tình trạng tích tụ dịch, giảm sưng, đau do chèn ép thần kinh.

Làm rỗng bàng quang hoàn toàn

Bàng quang rỗng trước khi đi ngủ có thể giúp người bệnh dễ ngủ hơn. Dù có thể bị đau rát vùng kín, người bệnh nên cố gắng làm rỗng bàng quang mỗi khi đi vệ sinh. Nên thường xuyên đi tiểu và đi ngay khi có nhu cầu, tránh nhịn lâu. Dành thời gian để đi tiểu sạch hoàn toàn. Thực hiện các bài tập sàn chậu để tăng cường cơ vùng chậu.

Tránh một số loại thực phẩm

Caffeine, rượu, chất tạo ngọt nhân tạo, thực phẩm có tính axit như cam quýt, thực phẩm cay gây kích ứng thêm cho bàng quang. Người bệnh tránh dùng những thực phẩm và đồ uống này vào buổi tối, trước khi ngủ, và cho đến khi tình trạng nhiễm trùng khỏi hẳn.

Thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) là cách hiệu quả khác để điều trị nhiễm trùng tiết niệu vào ban đêm. Có nhiều loại thuốc OTC có tác dụng giảm đau và giảm các triệu chứng khác như rát, kích ứng, khó chịu, đi tiểu gấp và thường xuyên.

Thuốc kháng sinh

Ngoài các biện pháp khắc phục tại nhà, UTI có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nhiễm trùng không thể khỏi hoàn toàn trong một ngày, nhưng hầu hết người bệnh đều giảm các triệu chứng trong 24-48 giờ sau khi bắt đầu dùng kháng sinh. Dù tình trạng cải thiện, người bệnh cần dùng hết kháng sinh đã được bác sĩ kê đơn.

Để phòng ngừa UTI, nam và nữ giới nên đi tiểu sau khi quan hệ tình dục, uống nhiều nước, tắm vòi sen thay vì tắm bồn, tránh thụt rửa, lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh xong. Nếu có triệu chứng sốt, ớn lạnh và run rẩy, đau hông hoặc lưng dưới, buồn nôn hoặc nôn dữ dội, người bệnh cần đến bác sĩ khám.

Anh Ngọc (Theo Verywell Health)

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật