"Chúng tôi kết hợp cùng lúc 4 kỹ thuật là gióng trục động học, sử dụng khớp với thiết kế và sụn xoay phù hợp, đường mổ ít xâm lấn và giảm đau ống cơ khép nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất cho người bệnh", ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, Trưởng khoa Tái tạo khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, hôm 23/1.
Bà Anh bị thoái hóa khớp gối hơn 10 năm, điều trị bảo tồn bằng nhiều cách như dùng thuốc uống và tiêm, hút dịch khớp song tình trạng không cải thiện. Cơn đau ngày càng nghiêm trọng, hai chân cong lại thành hình chữ O. Kết quả chụp X-quang cho thấy sụn khớp không còn nguyên vẹn, bị bào mòn gần hết, không gian giữa các đầu xương giảm đáng kể, biến dạng trục chân. Lượng chất lỏng hoạt dịch giảm, không thể đảm nhận chức năng giảm ma sát giữa các bộ phận khi khớp chuyển động.
Phim chụp X-quang cho thấy cả hai khớp gối của người bệnh tổn thương gần như hoàn toàn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bà Anh được chỉ định phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo cho chân trái trước. Theo bác sĩ Khoa, với phương pháp thay khớp gối gióng trục động học, chức năng và độ cong trục chân của khớp gối nhân tạo được điều chỉnh gần giống khớp gối tự nhiên, thay vì nắn chỉnh thẳng như các phương pháp truyền thống. Nhờ đó, người bệnh cảm thấy tự nhiên hơn, khôi phục hình dáng chân, xoay trong và xoay ngoài, thực hiện các chuyển động như co duỗi, đi lại... dễ dàng.
Người bệnh có nhu cầu vận động cao nên bác sĩ lựa chọn khớp nhân tạo mobile bearing. Đây là khớp gối nhân tạo có lớp sụn chêm polyethylene được thiết kế chuyển động xoay, cho phép khớp gối vận động linh hoạt. Khớp gối này còn có ưu điểm là bảo tồn xương, giúp giảm tình trạng loãng xương sau mổ, ít hao mòn nên có thể kéo dài tuổi thọ khớp hàng chục năm. Loại khớp này cũng vừa vặn với khớp gối của bà Anh.
Nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi và hạn chế tối đa tổn thương đến các mô mềm, người bệnh được thay khớp bằng đường mổ ít xâm lấn. Vết rạch da vừa phải, người bệnh ít đau, ít mất máu hơn, bảo tồn được tối đa khối cơ.
Bác sĩ kết hợp các phương thức giảm đau trong và sau khi phẫu thuật, bao gồm gây tê tủy sống, bao khớp và ống cơ khép. Khi giảm đau hiệu quả, người bệnh có thể tập vật lý trị liệu ngay ngày đầu tiên sau mổ, thúc đẩy quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn, giảm nguy cơ đau mạn tính sau thay khớp gối.
Ngày thứ hai sau mổ, bà Anh gần như không còn đau, chân thẳng hơn rõ rệt, có thể đi lại nhẹ nhàng, tâm trạng thoải mái. Sức khỏe phục hồi tốt, người bệnh được xuất viện vào hôm sau. Một tuần sau, bà nhập viện thay thêm khớp gối bên phải, tình trạng phục hồi tốt như lần đầu.
Bác sĩ Khoa (giữa) thay khớp gối cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Khoa cho biết hiện nay phẫu thuật thay khớp gối đang ngày càng phổ biến do sự già hóa dân số và thói quen sinh hoạt thiếu khoa học. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn cho các bệnh lý như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, chấn thương... Người bệnh điều trị bảo tồn không hiệu quả, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày nên cân nhắc phẫu thuật. Trì hoãn thay khớp không chỉ làm bệnh ngày càng nặng hơn mà còn có thể gây tổn thương hệ thống gân cơ, dây chằng hai bên. Lúc này, ca mổ khó hơn, người bệnh có thể phải thay những loại khớp nhân tạo đặc biệt, tăng chi phí điều trị, làm chậm quá trình phục hồi.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp