Điều gì xảy ra khi bạn thường xuyên tức giận?

26/01/2025
|
0 lượt xem
Các Bệnh Ngoại Thần Kinh Nội Thần Kinh Sức Khỏe
Điều gì xảy ra khi bạn thường xuyên tức giận?

Tức giận không chỉ là cảm xúc thoáng qua mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể và tinh thần. Khi đó, não điều khiển cơ thể tiết ra hormone cortisol. Cortisol tích tụ quá mức dẫn đến tăng huyết áp, tăng đường huyết, ức chế khả năng chống viêm của hệ thống miễn dịch, làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Các vấn đề này tác động đến sức khỏe của hệ tim mạch, tiêu hóa, thần kinh...

Gây căng thẳng cho tim

Tức giận kích thích cơ thể giải phóng các hormone căng thẳng. Theo thời gian, các tình trạng này có thể gây ra thay đổi trong tim, làm giảm khả năng bơm máu của cơ tim, dẫn đến cao huyết áp và các biến chứng sau đó như đau tim, đột quỵ và hội chứng chuyển hóa.

Người thường xuyên tức giận có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, rối loạn nhịp tim, khiến nhịp tim không đều. Bởi tức giận tăng khiến adrenaline (hormone được giải phóng bởi tuyến thượng thận) tăng theo, gây ra các thay đổi điện trong tim. Theo EveryDay Health, mức độ thường xuyên và cường độ cơn giận dữ càng cao, nguy cơ đau tim cũng tăng cao hơn bình thường.

Rối loạn tiêu hóa

Nhiều nghiên cứu cho thấy não và ruột có mối liên hệ và ảnh hưởng lẫn nhau. Vai trò của hệ thần kinh thực vật (hệ thần kinh tự động) là điều tiết tiêu hóa song có thể bị rối loạn khi cơ thể căng thẳng, tức giận.

Một số nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể dẫn đến các triệu chứng khó chịu trong đường tiêu hóa bao gồm đau bụng, khó tiêu và tiêu chảy. Về lâu dài, căng thẳng mạn tính có liên quan đến sự phát triển của bệnh viêm ruột, hội chứng ruột kích thích và trào ngược dạ dày thực quản.

Làm hại sức khỏe tinh thần

Tức giận, căng thẳng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Cụ thể, giận dữ kéo dài có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc như lo âu, trầm cảm. Người đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần nếu giận dữ khiến các triệu chứng bệnh nặng hơn, làm giảm hiệu quả điều trị. Tức giận cũng có thể tác động đến khả năng tập trung và tư duy, khiến bạn trở nên khó chịu hoặc hoài nghi hơn. Điều này có thể gây hại cho các mối quan hệ và khả năng kết nối xã hội.

Rối loạn giấc ngủ

Người khó kiểm soát cơn giận thường có chất lượng giấc ngủ kém hơn. Cảm giác nặng nề, bực tức là nguyên nhân kích hoạt phản ứng phòng vệ cao độ của cơ thể. Giấc ngủ có vai trò ổn định cảm xúc. Tức giận, căng thẳng có thể cản trở quá trình này, tăng giải phóng hormone căng thẳng, dễ khiến một người dễ cáu kỉnh hơn. Vòng luẩn quẩn lặp lại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Giảm căng thẳng, kiềm chế cơn giận dữ bằng cách sắp xếp công việc, học tập phù hợp, tập thể dục đều đặn hoặc chọn các bài tập yoga để ổn định tâm trí.

Anh Chi (Theo Everyday Health)

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật