Sau một năm điều trị theo phác đồ của bác sĩ Đỗ Thị Hằng, Trưởng đơn vị Nội thận - Lọc máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cân nặng của anh An giảm từ 98 kg xuống 65 kg, bệnh suy thận mạn từ độ 5 (giai đoạn cuối) về độ 3B. "Suýt nữa thì tôi phải chạy thận nhân tạo suốt đời", anh nói, ngày 25/12.
Bác sĩ Hằng tái khám cho anh An. Ảnh: Phòng khám cung cấp
Một năm trước, anh An khám sức khỏe định kỳ phát hiện suy thận. Khám chuyên sâu sau đó ghi nhận cấu trúc thận của anh đã biến đổi, vỏ và tủy thận không còn phân biệt rõ ràng, kèm tình trạng tăng huyết áp và thiếu máu nhẹ. Mức lọc cầu thận (eGFR) chỉ còn 10-14 ml/phút/1,73 m2 da, tức suy thận mạn giai đoạn cuối dù không có dấu hiệu.
Bác sĩ Hằng xác định nguyên nhân khiến anh An suy thận mạn liên quan đến tăng huyết áp và béo phì. "Thận phải tăng công suất hoạt động để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất lớn của cơ thể béo phì, làm tăng áp lực bên trong cầu thận (nơi lọc máu của thận), hỏng cấu trúc thận và tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn trong thời gian dài", bác sĩ Hằng giải thích, thêm rằng lâu dần thận tổn thương không phục hồi dẫn đến suy thận mạn. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn cuối, chức năng thận gần như không còn hoạt động. Người bệnh buộc điều trị thay thế thận để duy trì sự sống, phổ biến nhất là chạy thận nhân tạo (lọc máu).
Anh An còn trẻ, bác sĩ Hằng tìm cách bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian không phải lọc máu lâu nhất có thể, cũng là cách kéo dài tuổi thọ cho anh. Bác sĩ Hằng điều chỉnh chế độ dinh dưỡng nhằm kiểm soát cân nặng và giảm gánh nặng cho thận.
Bữa ăn hàng ngày của anh phần lớn là các loại rau củ luộc chín kỹ nhằm giảm lượng kali hấp thụ, ít thịt cá trứng để đảm bảo lượng đạm. Các món ăn ít nêm nếm gia vị và thường được chế biến bằng cách hấp, luộc hoặc xào với một ít dầu ôliu. Anh uống thêm sữa giảm đạm dành cho người bệnh thận nhằm bổ sung dinh dưỡng nhưng không ảnh hưởng chức năng của cơ quan này. Bên cạnh đó, anh không ăn các món chiên, nướng, thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, nội tạng động vật, kiêng bia rượu.
Ngoài thay đổi chế độ dinh dưỡng, anh không sử dụng loại thuốc nào. "Mất 2-3 tháng tôi mới thích nghi được việc giảm khẩu phần ăn và từ bỏ các món yêu thích gây thừa cân", anh An nói.
Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống sinh hoạt, sau một năm anh giảm được 33 kg, độ lọc cầu thận tăng lên 37 ml/phút/1,73 m2 da, chức năng thận phục hồi và duy trì ổn định qua từng lần tái khám. Ăn uống kiêng khem nghiêm ngặt song anh không có dấu hiệu suy dinh dưỡng - một biến chứng thường gặp ở bệnh suy thận mạn do thận làm thất thoát các chất cần thiết vào nước tiểu. Sức khỏe ổn định, anh có thể làm việc 6 ngày mỗi tuần.
Người bệnh được lọc máu tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7. Ảnh: Phòng khám cung cấp
Bác sĩ Hằng cho hay suy thận mạn diễn tiến âm thầm, triệu chứng mơ hồ, phần lớn bệnh được phát hiện tình cờ như anh An. Khi các triệu chứng rõ ràng như mệt mỏi nhiều, đau đầu, buồn nôn, ăn kém hay đầy bụng khó tiêu, phù nề tay chân, rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, thiếu máu..., bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn.
Để phòng bệnh thận, bác sĩ Hằng khuyên mọi người duy trì cân nặng hợp lý, vận động thường xuyên, kiểm soát tốt bệnh tiểu đường và tăng huyết áp (nếu có). Uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày, hạn chế ăn mặn, tiêu thụ đạm quá mức, tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt; hạn chế bia rượu, nước ngọt có gas, không hút thuốc lá. Tuyệt đối không dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ, khám sức khỏe định kỳ mỗi 6-12 tháng.
Người có các biểu hiện bất thường cần sớm đi khám để xác định nguyên nhân, điều trị kịp thời, tránh để lâu chức năng thận suy giảm hoàn toàn, phải lọc máu. Người đã bị suy thận mạn cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám đúng lịch hẹn.
Thắng Vũ
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp